https://congdongphumyhung.com/

Phú Mỹ Hưng và hành trình 25 năm đầu tư cho giáo dục

Bài viết

Trang chủ / Tin tức / Phú Mỹ Hưng và hành trình 25 năm đầu tư cho giáo dục
Phú Mỹ Hưng và hành trình 25 năm đầu tư cho giáo dục


Phú Mỹ Hưng và hành trình 25 năm đầu tư cho giáo dục

Những cột mốc đáng nhớ

Công ty Phú Mỹ Hưng được thành lập ngày 19/5/1993. Với định hướng phát triển bền vững, Phú Mỹ Hưng chủ trương xây dựng một đô thị đa chức năng, có thể phục vụ đa dạng nhu cầu của người dân. Đó là nơi để sống, học tập, làm việc, giải trí.

Năm 1996, những công trình hạ tầng kỹ thuật được triển khai. Một số công trình tiện ích đặt mục tiêu hoàn thiện trước cũng tiến hành song song. Năm 1997, trường Dân lập Nam Sài Gòn ra đời, trở thành công trình đầu tiên trong đô thị được đưa vào hoạt động, trước cả khi đại lộ Nguyễn Văn Linh thông xe giai đoạn 1.

Trường do Phú Mỹ Hưng đầu tư hoàn toàn, tọa lạc tại khu đất giáp ranh hai dòng Rạch Đĩa và Rạch Cả Cấm nên được hưởng không gian thoáng mát, gần gũi thiên nhiên.

Buổi lễ khai giảng năm học 1997 - 1998 trở thành cột mốc quan trọng cho các nhân sự của Phú Mỹ Hưng. Tiếng trống khai trường không chỉ bắt đầu năm học mới, mà còn là âm thanh báo hiệu tương lai hứa hẹn về đô thị phát triển đồng bộ. Sau năm năm hoạt động, Phú Mỹ Hưng trao tặng ngôi trường này cho Sở Giáo Dục TP HCM.

 

Trường THPT-THCS Nam Sài Gòn

 

Trong cùng năm 1997, trường Quốc tế Nam Sài Gòn (Saigon South International School - SSIS) cũng đi vào hoạt động. Trong năm 1997 và 1998, các trường học do lãnh sự quán Hàn Quốc, Nhật Bản cũng được xây dựng.

Chỉ trong vài năm sau khi Phú Mỹ Hưng bắt tay xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hệ thống giáo dục tại đô thị đã có thể phục vụ được nhiều đối tượng từ người Việt đến người nước ngoài.

 

Trường Quốc tế Nam Sài Gòn

 

Mười năm sau, năm 2006, Phú Mỹ Hưng xây dựng ngôi trường thứ 3 mang tên vị cố chủ tịch Tập đoàn CT&D và Phú Mỹ Hưng là ông Đinh Thiện Lý (tên tiếng Anh Lawrence S. Ting) - một nhà đầu tư nước ngoài đã dành nhiều tâm huyết và tình cảm cho đất nước Việt Nam.

Không chỉ đầu tư vào Việt Nam với các dự án kinh tế lớn như khu chế xuất Tân Thuận, khu đô thị Phú Mỹ Hưng, nhà máy điện Hiệp Phước, đại lộ Nguyễn Văn Linh…, sinh thời, ông Đinh Thiện Lý còn quan tâm đặc biệt đến sự nghiệp trồng người của Việt Nam. Ông quan niệm nhân tài là vốn quý của quốc gia, chăm lo đào tạo nhân tài sẽ mang đến phồn vinh cho đất nước.

Thực hiện tâm nguyện của ông sau khi mất, công ty đã xây dựng trường Đinh Thiện Lý với mong muốn góp phần cùng nền giáo dục Việt Nam đào tạo những thế hệ con người hữu ích cho xã hội, đất nước.

Trường Đinh Thiện Lý được đánh giá là một trong những trường được trang bị cơ sở vật chất tốt nhất tại TP HCM với nhiều hạng mục nổi bật như hội trường sức chứa 400 học sinh, khu rèn luyện thể chất riêng biệt, nhiều tiện ích phát triển năng khiếu cho học sinh.

Ban lãnh đạo trường còn chủ động đưa nhiều chương trình đào tạo quốc tế vào giảng dạy bên cạnh chương trình của Bộ Giáo Dục để tạo mọi điều kiện giúp học sinh hội nhập thế giới và phát triển toàn diện năng lực bản thân với sự hỗ trợ của đội ngũ giáo viên giỏi chuyên môn, vững nghiệp vụ.

 

Trường THCS-THPT Đinh Thiện Lý

 

Hoàn chỉnh mô hình "giáo dục tại chỗ"

Với hệ thống giáo dục hoàn thiện, hiện nay các trường học tại đô thị Phú Mỹ Hưng đang là nơi học tập của khoảng 13.320 học sinh; trong đó có khoảng hơn 2.445 học sinh và gần 340 giáo viên là người nước ngoài đến từ các quốc gia trên thế giới.

Đến cuối 2017, sau 25 năm kể từ ngày đô thị được thành lập, trong phạm vi 433 hecta, Phú Mỹ Hưng hiện có khoảng 30 cơ sở giáo dục đang hoạt động. Số lượng này hình thành từ việc đầu tư trực tiếp của chủ đầu tư khu đô thị và của những nhà đầu tư thứ cấp.

Theo đại diện Phú Mỹ Hưng, tiện ích giáo dục được ưu tiên mọi mặt, số lượng, loại hình đào tạo và luôn tọa lạc ở những nơi có tầm nhìn đẹp, thoáng mát, rộng rãi để có thể phát triển mở rộng. Hệ thống giáo dục tại chỗ hoàn thiện cũng là một trong những lý do chính thu hút ngày càng đông lượng cư dân đến sống tại đô thị.

Điều này thể hiện rõ khi quan sát khu đô thị từ trên cao hoặc trên sa bàn. Cấu trúc đô thị được hình thành dựa trên nhiều lớp không gian. Tính từ ngoài vào trong, lớp đầu tiên là hệ thống sông và kênh rạch bao quanh đô thị. Lớp thứ hai cạnh sông là không gian công cộng, chủ yếu được dùng để phát triển công viên và công trình giáo dục. Ở dải không gian này, ngoài hành lang cây xanh còn có 18 công trình giáo dục được quy hoạch, trong đó có 15 cơ sở đã đi vào hoạt động.

Đây là điều tạo nên sự khác biệt của hệ thống tiện ích giáo dục Phú Mỹ Hưng.

Những khu vực sát bờ sông, hệ thống cảnh quan đa dạng, nhiều cây xanh, không khí mát mẻ đều hình thành một hoặc nhiều ngôi trường. Tức chủ đầu tư ưu tiên những địa điểm đẹp, thuận tiện cho tiện ích giáo dục.

Theo quan điểm của chủ đầu tư, việc gần gũi với cây xanh, thiên nhiên làm cho con người sống nhân văn, biết yêu quê hương, đất nước nhiều hơn. Sự gắn kết với nơi mình sống của từng cá thể cũng bền chặt hơn. Hiện nay, mật độ xây dựng của toàn đô thị chỉ dừng ở con số 26%, phần còn lại là không gian công cộng, cây xanh, mặt nước, hệ thống giao thông…

Đó là lý do khu Nam Viên - nơi có diện tích phủ xanh cao nhất khu đô thị, trở thành địa chỉ của nhiều trường học và tập trung phần lớn hệ thống giáo dục quốc tế như trường Đài Bắc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Canada…

Trường Quốc tế Canada - trường học có quy mô lớn nhất tại khu dân cư Nam Viên.

 

Yếu tố đặc biệt về tiện ích giáo dục tại Phú Mỹ Hưng còn là khoảng cách từ nhà ở đến trường học nằm trong bán kính chưa đến 2km. Học sinh nói riêng và cư dân nói chung tăng cường đi bộ, giảm tải việc sử dụng các phương tiện di chuyển cơ giới.

Điều này vừa giúp phụ huynh thuận lợi đưa đón con em đi học, an tâm khi học sinh tự di chuyển đến trường, vừa giảm mức độ ô nhiễm môi trường sống do hạn chế khói bụi, chất thải... Hệ thống giao thông không bao giờ tắc nghẽn, vỉa hè thông thoáng từ 3-8m cùng hệ thống cây xanh dọc các tuyến phố cũng góp phần làm cho niềm vui đến trường của cư dân nhỏ tuổi thêm trọn vẹn.

 

Một kiểu học “không chính quy” cũng được chủ đầu tư chú trọng là hoạt động ngoại khóa sau giờ tan trường của cư dân. Công viên, hoa viên tại các khu phố là không gian để trẻ em vận động rèn luyện thể lực, quan sát thực tế, khám phá thiên nhiên và mở rộng giao tiếp.

Ngoài ra, yếu tố góp phần không nhỏ đến quyết định an cư tại Phú Mỹ Hưng của nhiều gia đình còn vì sát kề đô thị có khá nhiều các cơ sơ đào tạo bậc cao, nổi bật như Đại học Tôn Đức Thắng, Đại học Quốc tế RMIT Việt Nam…

Mô hình “giáo dục tại chỗ" trong đô thị Phú Mỹ Hưng sẽ tiếp tục được phát triển trong thời gian tới bởi các nhà đầu tư thứ cấp. Tại khu Nam Viên - nơi có số lượng trường học lớn nhất trong đô thị, có nhiều trường học đang trong những bước đầu triển khai như trường mầm non Canada, tiếp sau trường mầm non này dự kiến là trường Việt Úc.

Chủ đầu tư Phú Mỹ Hưng cho biết cũng đang xây dựng nhiều công trình hạ tầng ở khu Nam Viên để gia tăng tiện ích cho cư dân như: xây dựng và mở rộng cầu Cả Cấm 1 kết nối 2 khu Nam Viên và khu Thương mại Tài chính Quốc tế, sẽ hoàn thành cuối năm nay; xây dựng công viên Sakura Park, dự kiến sẽ đưa vào hoạt động giai đoạn 1 vào năm 2019.

Ông Trương Quốc Hưng - Phó tổng giám đốc Công ty Phú Mỹ Hưng chia sẻ, Phú Mỹ Hưng đầu tư cho giáo dục theo hai hướng.

Thứ nhất là phối hợp với các cơ quan ban ngành cùng chung tay phát triển giáo dục, đào tạo nhân tài Việt Nam bằng việc hỗ trợ hiện vật hiện kim để các em có thể chuyên tâm học tập. Hướng này được thực hiện thông qua các chương trình hỗ trợ giáo dục của Quỹ hỗ trợ cộng đồng Lawrence S. Ting như chương trình tài trợ học bổng cho học sinh, sinh viên toàn quốc, chương trình “Tiến bước cùng IT”…

Thứ hai là đầu tư môi trường giáo dục ngay tại đô thị. Ngoài việc xây dựng những ngôi trường tiêu chuẩn trong đô thị, công ty đồng thời vận động, kêu gọi các đơn vị, nhà đầu tư thứ cấp tham gia vào lĩnh vực này.

“Đây vừa là cách gia tăng tiện ích phục vụ nhu cầu cư dân, vừa tạo mối tương hợp giữa môi trường đô thị văn minh, nhân văn với định hướng giáo dục và nếp sống tôn trọng những quy định chung trong từng hộ cư dân”.

Trong gần 300 tỷ đồng đóng góp cho các hoạt động cộng đồng của Phú Mỹ Hưng và các công ty thành viên của tập đoàn trong thời gian vừa qua, hơn 50% trong số này dành cho các chương trình giáo dục.

Khu đô thị còn là xã hội thu nhỏ, có sự hài hòa giữa cả ba yếu tố tác động trực tiếp đến quá trình hình thành nhân cách của trẻ là gia đình, xã hội và nhà trường. Ở trường, các em được dạy không vứt rác bừa bãi. Ra khỏi cổng trường, thấy cư dân cũng bảo vệ cảnh quan, từ đó các em sẽ hình thành ý thức bỏ rác đúng nơi quy định. Về nhà, các em nhỏ lại được bố mẹ nhắc nhở luôn giữ vệ sinh môi trường chung của khu phố. Sự cộng hưởng các yếu tố sẽ tạo nên tính thống nhất giữa nhận thức và hoạt động giáo dục, định hướng tích cực góp phần tạo nên những giá trị tốt đẹp, tác động đến sự hình thành nhân cách cho các em



Latest Post

Tags