"Để làm thành phố trở nên đáng sống, trong quy hoạch đô thị, chúng ta không phải chỉ nhìn từng yếu tố một cách đơn lẻ mà phải nhìn tất cả các yếu tố cùng lúc, tích hợp, lồng ghép và tổng thể…..
Điều đó là rất khó trong làm quy hoạch đô thị. Khi quy hoạch thành phố, phải đưa ra những quyết định lớn, để quyết định đó đúng đắn thì phải nhìn thấy tất cả các vấn đề cùng một lúc." (Tiến sĩ Lưu Thái Cơ - Liu Thai Ker, nguyên kiến trúc sư trưởng của Singapore, người được coi là cha đẻ, đặt nền móng cho kiến trúc Singapore hiện đại.)
Đó cũng chính là cách mà chủ đầu tư đã bắt đầu cho đô thị Phú Mỹ Hưng. Năm 1993, công ty Phú Mỹ Hưng chi 2 triệu USD để tổ chức cuộc thi thiết kế quy hoạch Đô thị mới với sự tham gia của các nhà quy hoạch kiến trúc hàng đầu thế giới. Kết quả, những tên tuổi làm nên quy hoạch tổng thể đô thị mới gồm Skidmore, Owings & Merrill (Mỹ), Koetter Kim & Associates (Mỹ), Kenzo Tange & Associates (Nhật).
Đến tháng 12/1994, Quy hoạch tổng thể đô thị được Thủ Tướng Võ Văn Kiệt phê duyệt. Tháng 3/1995, Thủ tướng ký Quyết định thành lập Ban Quản Lý Khu Nam TPHCM với cơ chế giấy tờ Một Cửa để phát triển nhanh vùng đất này, tránh tụt hậu so với xu thế phát triển chung của thành phố sau ngày đổi mới.
Năm 1996, Công ty Phú Mỹ Hưng bắt đầu xây dựng cơ sở hạ tầng đô thị Phú Mỹ Hưng. Đó là đại lộ Nguyễn Văn Linh dài 17,8km, lộ giới 120m có 10 làn xe. Đại lộ Nguyễn Văn Linh được xây dựng hoàn toàn mới băng qua vùng đất đầm lầy huyện Nhà Bè (nay là Quận 7), Quận 8 và huyện Bình Chánh. Từ đây, những nét vẽ đầu tiên của khu đô thị bắt đầu dần hiện thực hóa.
Tháng 5/2018 là cột mốc đánh dấu một hành trình 25 năm từ "không đến có", từ đầm lầy đến đô thị hiện đại, kiểu mẫu đầu tiên Việt Nam: Đô thị Phú Mỹ Hưng..
Đặc biệt, tính hoàn chỉnh của đô thị Phú Mỹ Hưng không chỉ thể bằng sự hoàn thiện của cơ sở hạ tầng đáp ứng các yêu cầu phát triển của một đô thị hiện đại, mà hơn hết, là những giá trị nhân văn hướng tới con người một cách toàn diện và khoa học.
Phát triển trong cơ cấu bảo vệ môi trường là ưu điểm nổi bật của đô thị Phú Mỹ Hưng. Dựa trên địa thế đặc trưng của vùng sông nước phương Nam, có dòng sông cảnh quan bao quanh, đón các hướng gió lành từ rừng phòng hộ Cần Giờ và biển Đông…, ngay từ đầu quy hoạch tổng thể Phú Mỹ Hưng đã nhấn mạnh khai thác ưu thế thiên nhiên trên cơ sở tôn tạo và phát huy lợi thế địa hình sẵn có, tạo nên một đô thị hiện đại chan hòa với thiên nhiên.
Những mảnh xanh hiện hữu được tái tạo thành công viên, khu bảo tồn, khu giải trí xen kẽ giữa các khu dân cư. Dòng sông cảnh quan được quy hoạch từ hệ thống kênh rạch hiện hữu để tạo các thủy lộ xuyên suốt và liên kết cảnh quan thiên nhiên đặc sắc ngoạn mục. Các dải đất ven mặt nước được sử dụng làm nơi công cộng và không gian mở này được dành cho tất cả mọi người thưởng ngoạn. Nhiều công viên lớn, nhỏ được tổ chức để tạo không gian cho các sinh hoạt công cộng…
Hiện nay, Phú Mỹ Hưng là đô thị có tỷ lệ phủ xanh cao nhất tại TP.HCM với mật độ cây xanh bình quân 8,9m2 trên đầu người.
Ngoài cây xanh, môi trường sạch đẹp… việc quy hoạch đường sá của Phú Mỹ Hưng không chỉ nhằm mục đích cho giao thông như thông thường mà cũng được tính toán về hiệu quả gia tăng sức khỏe cho cư dân ở đây. Đó là một quy hoạch hướng tới việc khuyến khích người dân vận động với những bố trí phân vùng chức năng hợp lý, tạo sự yên tâm, an toàn cho cư dân.
Thứ nhất, đô thị Phú Mỹ Hưng không có ngõ hẻm và hệ thống giao thông được quy hoạch theo dạng bàn cờ nên có rất nhiều hướng lưu thông thuận tiện, giúp tránh ùn tắc giao thông.
Thứ hai, đô thị có sự phân vùng chức năng hợp lý, đảm bảo sự phát triển hài hòa, đáp ứng đầy đủ các yêu cầu để một đô thị phát triển về hoạt động giao thương, cư trú, văn hóa, giáo dục, y tế, giải trí, giao thông vận tải… ngay tại khu vực. Điểm nổi bật, hầu như tất cả các tiện ích đô thị từ siêu thị, trung tâm mua sắm đến trường học… đều được bố trí trong khoảng cách đi bộ. Bên cạnh đó, trong hầu hết công trình nhà ở của Phú Mỹ Hưng cũng có bố trí các dịch vụ, tiện ích ngay ngưỡng cửa như cửa hàng, hồ bơi, phòng tập thể dục, khu vui chơi cho trẻ…
Thứ ba, vỉa hè cho người đi bộ rộng từ 3m trở lên, được phân cách với đường bằng hàng cây bóng mát và thường xuyên được chăm sóc, duy tu để bảo đảm thông thoáng, xanh và sạch.
Nhờ đó, cư dân sinh sống và làm việc tại đô thị có rất nhiều "cơ hội" để vận động và sử dụng thời gian một cách hiệu quả nhất. Thay vì sử dụng các phương tiện xe cơ giới, cư dân sẽ tận dụng thời gian di chuyển đến các địa điểm mua sắm, ăn uống, vui chơi… để đi bộ một cách thoải mái, giúp gia tăng và cải thiện sức khỏe. Đồng thời, việc này cũng góp phần giảm thiểu sử dụng nhiên liệu, giúp tiết kiệm và bảo vệ môi trường một cách tự nhiên, đơn giản dễ thực hiện.
Ngày nay, người ta thường dùng ý niệm "kín cổng, cao tường" để chỉ về mối quan hệ xóm giềng nơi thành thị khép kín, nhưng ở Phú Mỹ Hưng có một không gian sống khác: thân thiện, chan hòa.
Không gian xanh, mở của Phú Mỹ Hưng không chỉ đóng vai trò là không gian công cộng hay lá phổi của đô thị, mà đó còn là không gian cộng đồng, là cầu nối cư dân về cả chức năng lẫn tính thẩm mỹ, kéo gần mọi người lại gần nhau, thân thiện và hòa đồng hơn.
Những hoa viên làm nơi điểm hẹn để bà đưa cháu hóng mát, nơi hàn huyên của những người bạn tâm giao, trẻ con có thể tự do chơi đùa giữa thiên nhiên rộng lớn, hay một con đường ven sông để tận hưởng buổi sớm mai và nghỉ ngơi khi chiều về; và có khi, lại là những con phố mua sắm như chợ xưa cũng nhộn nhịp như thế…
Đặc biệt, cách mà cư dân Phú Mỹ Hưng gìn giữ cho không gian sống tại đây đã tạo nên một bước chuyển mới trong văn hóa cộng đồng thời đô thị hóa, hội nhập quốc tế: Phát huy những nét đẹp truyền thống, dung nạp những yếu tố văn minh tiến bộ, lịch sự để khéo léo tạo nên một đô thị đa văn hóa nhưng vẫn giữ được bản sắc riêng của mình, trở thành nơi có không gian sống đáng mơ ước.
Một đô thị đáng sống không chỉ mang đến không gian sống khỏe cho cư dân nơi đó mà còn là nơi cư dân có thể yên tâm và cảm thấy an toàn.
Ngoài việc gia tăng công tác an ninh, trật tự đô thị, ngay từ ban đầu, Phú Mỹ Hưng đã chú trọng đến công tác an toàn phòng cháy chữa cháy (PCCC) từ quy hoạch giao thông đến thiết kế dự án, sản phẩm và công tác huấn luyện nhân sự, trang thiết bị hỗ trợ...
Theo đó, quy hoạch giao thông nội thị cũng đã tính toán việc bố trí chỗ đậu xe hơi, xe máy, xe cứu hỏa (khi cần) một cách khoa học với khả năng tiếp cận từ nhiều hướng, kết nối với đường nước cứu hỏa thuận tiện, nhanh chóng…
Và trong thiết kế dự án, các khu phố của Phú Mỹ Hưng không quá cao tầng. Tính đến thời điểm hiện tại, công trình nhà ở cao nhất tại Phú Mỹ Hưng là 29 tầng. Các dự án có hệ số sử dụng đất thấp, nên quỹ đất dành đất phát triển các không gian xanh mở trong công trình khá nhiều, đảm bảo độ thông thoáng tự nhiên.
Hiện nay, không chỉ tuân thủ nghiêm túc các tiêu chuẩn PCCC trong xây dựng theo đúng quy định xây dựng của các ban ngành chức năng như hành lang, cầu thang thoát hiểm mà các dự án được bàn giao những năm gần đây, thiết kế và các trang thiết bị phòng vệ PCCC được đầu tư nhiều hơn yêu cầu.
Có được lợi thế vừa là chủ đầu tư, vừa là đơn vị vận hành quản lý đô thị, Công ty Phú Mỹ Hưng cũng tự thiết lập các quy trình PCCC tại chỗ đồng thời đề cao tinh thần chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng thường xuyên, hình thành nên thế kiềng 3 chân: Chủ đầu tư, cư dân, các đơn vị chuyên trách.
Ngoài các trang thiết bị phục vụ cho việc PCCC như: thiết bị báo cháy, hệ thống chữa cháy, hệ thống cứu hộ,… đội ngũ bảo vệ Phú Mỹ Hưng luôn được tập huấn để nâng cao nghiệp vụ và khả năng xử lý cháy nổ. Trung bình một năm, lực lượng bảo vệ sẽ có gần 50 cuộc diễn tập tại các khu căn hộ, văn phòng cao tầng. Ngoài ra, lực lượng bảo vệ của công ty Phú Mỹ Hưng cập nhật thông tin thường xuyên về công tác này qua các buổi huấn luyện nghiệp vụ hàng tuần.
Đơn vị cũng đặc biệt chú trọng công tác tuyên truyền an toàn PCCC cho cư dân, trường học và các đơn vị quản lý toà nhà trong Khu đô thị bằng các hình thức: Phát tờ rơi, nội san của Phú Mỹ Hưng, diễn tập PCCC và hiện nay đang triển khai tuyên truyền trên các màn hình LCD tại sảnh chờ thang máy để nâng cao kỹ năng phòng tránh khi xảy ra hỏa hoạn.
Khi có sự cố cháy nổ xảy ra, bảo vệ tại chỗ khắc phục sự cố bằng các thiết bị bố trí trong tòa nhà. Đồng thời sẽ báo về Trung tâm giám sát an ninh trật tự của toàn đô thị Phú Mỹ Hưng để được hỗ trợ. Trung tâm này khi nhận thông tin sẽ điều động các lực lượng đến hỗ trợ bao gồm tổ PCCC, trinh sát, tuần tra, cũng như liên lạc với các lực lượng chuyên trách hỗ trợ để xử lý kịp thời.
Chính nhờ tinh thần "đề cao cảnh giác" với trách nhiệm thành tâm trong việc phát triển, vận hành đô thị của chủ đầu tư, mà từ khi khu đô thị Phú Mỹ Hưng hình thành đến nay, mặc dù vẫn có các vụ cháy xảy ra nhưng tất cả đều được phát hiện và xử lý kịp thời.
Người ta chỉ tôn trọng, giữ gìn, bảo vệ cái gì mà người ta yêu quý và tự hào về nó. Phú Mỹ Hưng đã làm được điều đó với cư dân ở đây. (PGS. TS. Nguyễn Minh Hòa, Trưởng khoa đô thị học, trường ĐH Quốc gia TP.HCM)
Bản thân chủ đầu tư đã dành nhiều tâm huyết để phát triển đô thị theo đúng quy hoạch quốc tế với mong muốn mang đến cho cư dân một không gian đáng sống: sống khỏe, sống an toàn thì song hành với doanh nghiệp, mỗi cư dân nơi đây, cũng ngày ngày góp phần giữ gìn, làm đô thị này ngày một đẹp hơn, văn minh và nhân văn hơn.
Vì vậy, hành trình 25 năm của một đô thị hiện đại bậc nhất Việt Nam vẫn tiếp tục với chiều hướng ngày càng hoàn chỉnh về diện mạo lẫn chiều sâu sức sống của một đô thị xứng đáng để sống.
"… trên cơ sở nhiều dự án đã hình thành quy mô của ngày hôm nay, vẫn có một tốp người khác đang tiếp tục cố gắng cho một phương hướng lớn hơn là phát triển thành phố hướng ra biển đông" (Trích dẫn phát biểu của Ông Lawrence S. Ting - Cố Chủ tịch hội đồng quản trị Công ty TNHH Phát Triển Phú Mỹ Hưng).
Nguồn: Tuổi Trẻ